Nửa đời cơm tấm nuôi thân,
Nửa đời chí lớn bao lần đớn đau!
Cơm tấm bên California
CƠM TẤM SÀI GÒN.
(Tập truyện Phép Màu Cuộc Sống, Trần Bách Thắng)
Ở thành phố San Jose này người Việt có gần 200 ngàn người, chiếm hơn 10% dân số của thành phố lớn thứ 3 của tiều bang California và là thành phố lớn thứ 10 của nước Mỹ cường thịnh. Ở Thung Lũng Hoa Vàng này, không khó tìm và thưởng thức hương vị ẩm thực Việt. Ở thung lũng Silicon Valley tràn trề sức sống, hối hả nhịp chân này thì những môn đồ sùng bái các món ăn thuần tuý dân tộc Việt như tôi cũng yên lòng vì every times, every day… luôn có sẵn những món ba miền cho môn đồ sành điệu bởi hệ thống quán ăn hay restaurant của người Việt luôn đáp ứng nào “canh chua cá kho tộ”, bún mắm, bún riêu, bánh cuốn, mì Quảng, phở… trong các món ăn thuần việt ấy thì món cơm tấm là món tôi “say đắm ngất ngây con gà tây” bởi hơn hai năm trước khi mà tôi sang bờ viễn xứ, sau tôi đặt chân lên đất Mỹ này tới hôm nay, qua nhiều năm sau đi chăng nữa thì tôi vẫn không thể nào quên được những năm tháng sống và gắn bó với vùng đất Sài Gòn, những kỷ niệm mỗi lần được thưởng thức một đĩa cơm tấm “sà bì chưởng” trứ danh của Hòn Ngọc Viễn Đông sau một ngày bươn chải, vật lộn với “cơm áo gạo tiền”.
Thành thật công bằng mà nói không phải cơm tấm của các quán bên này không phải là không ngon, không phải là không sánh bằng cơm tấm ở Sài Gòn, mà cơm tấm bên này chỉ thua vì thiếu đi cái cảnh ồn ào nhộn nhịp thực cảnh của Sài Gòn mà thôi.
Đến đây tôi bỗng nhớ Sài Gòn đến nao lòng, một nỗi nhớ cồn cào khó tả được.
Tương truyền rằng món cơm tấm ban đầu xuất xứ ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ trước tức ở thế kỷ 20, là món ăn phổ biến của giới bình dân thấp cổ do vào những năm đói kém, mùa màng thất bát, số gạo nguyên hạt ngon thì ít, để tiết kiệm người dân Nam Kỷ lấy những hạt gạo bị vỡ còn gọi là gạo tấm mà nấu để ăn, vì gạo vỡ có tác dụng giúp no lâu hơn gạo nguyên hạt. Theo dòng chảy thăng trầm của lịch sử vùng đất Gia Định, cơm tấm trở thành món đặc trưng trứ danh của Hòn Ngọc Viễn Đông, sau khi được người Sài Gòn thêm vào thịt, sườn heo nướng, chả trứng, bì, mỡ hành và nước mắm pha sẵn.
Tôi nhớ lại khi còn nhỏ, xã Thạnh Lộc của huyện Hốc Môn nơi tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô chẳng chịt những con kênh nhỏ trổ nhánh từ lòng Sông Sài Gòn hào sản, cá tôm nhoi nhóc tung tăng bơi lội, ruộng lúa vi vu đong đưa theo gió, hai bên đường dừa thi nhau soi bóng trên mặt nước trong xanh để khoe những quày dừa quả đan xen chi chít, có nhiều quày dài lủng lẳng như muốn nhảy xuống mà tắm trong dòng nước mát. Ông ngoại tôi là một phú hộ cũng khá nổi nổi tiếng trong huyện, ông được mọi người ví như “ông hội đồng” của những năm đầu thế kỷ 20 của vùng đất Nam Kỷ. Ông ngoại có bốn người con, hai trai mà tôi gọi là cậu hai, cậu tư, hai người gái thì một người là thân mẫu của tôi và dì ba.
Cậu tư tôi cưới mợ tư, vợ chồng cậu sinh được hai mặt con trai. Mợ có tài nấu ăn ngon nên mở quán cơm tấm bán kiếm thêm tiền phụ chồng lo cho hai đứa con nhỏ. Nói là quán cho oai chứ thực chất thì chỉ là một cái bàn được đóng sơ xài từ một loại gỗ thông thường, bàn dài ngót gần 2 mét, rộng ngót 1 thước tây, bốn chân bàn cao tầm khoảng gần 1 mét, và một cái ghế gỗ cùng chiều dài với cái bàn nhưng thấp hơn khoảng tầm hai gang tay người lớn. Cứ mỗi buổi sáng tầm 4 giờ thì mợ đã thổi lửa nấu cơm, lấy tấm trải bàn có hình hoa văn cây cảnh mà phủ lên bàn rồi chưng bày các đĩa sành lớn chứa nào là trứng vịt đã luộc sau khi bóc vỏ rồi mợ chiên bên ngoài khiến quả trứng tăng thêm phần hấp dẫn người sành ăn, nào là đĩa chả trứng hấp được cắt chia thành từng miếng nhỏ hình tam giác cân, nào là đĩa bì trộn thính và thịt heo thái sợi tương thích với bì, nào là rổ đựng cà chua chín đỏ và dưa leo tươi xanh, nào là keo nước mắm “thần thánh” đã pha sẵn (gọi thần thánh là vì mợ pha nước mắm ngon không thể tả được), nào là hủ đồ chua gồm củ cải trắng và cà rốt được thái sợi ngâm với nước, đường và giấm, rồi thì hủ ớt bằm nho nhỏ, hủ ớt tươi, góc bên phải phía trong là hai chồng dĩa….
Quán của mợ sáng ngày nào cũng tấp nập người ra kẻ vào trong làn khói trắng thơm phưng phức từ lò nướng thịt tỏa lừng một góc đường quê. Khách không chỉ người trong xóm mà có nhiều người ở xóm khác ghé, thậm chí vài người ở xã khác qua ăn xong còn mua hộp mang về cho gia đình. Trong một tháng tôi phải ghé gần như là đủ ba mươi ngày vì tôi hảo món cơm tấm cực kỳ. Hôm thì “sà bì chưởng” tức sườn-bì-chả, hôm thì chỉ chọn 1 trong 3, tuy vậy mà vị cơm tấm vẫn chảy vào tâm trí và ở trong vị giác của tôi vĩnh viễn không mất đi.
Bán được vài năm thì cậu tư tôi vào một đêm mưa gió mà đột tử, vì thế mà mợ tư chuyển về mua nhà gần bên gia đình mợ, nghe nói ở trong ấp Voi (nay thì thuộc một phần đất của phường 15 quận Gò Vấp) ruộng đồng bát ngát. Mợ nhượng quán lại cho bà Tư – người phụ mợ bán mấy năm vừa qua. Tôi cứ tưởng mợ đi rồi thì bà Tư nấu không ngon như mợ, ai dè hương vị vẫn không thay đổi tí nào.
Năm đầu tiên của thế kỷ 21, gia đình tôi cũng từ giã Thạnh Lộc mà sang khu Ngã Ba Cây Trâm. Thời gian này tốc độ đô thị hóa tăng đến chóng mặt, đất ruộng vườn lần lượt được phân lô xây cất, nhà cửa thi nhau mọc lên như nấm. Sài Gòn chuyển minh với những tòa nhà chọc trời cao ngất, dòng người ở nội thành, ở các tỉnh lân cận đua nhau về vùng ven Hòn Ngọc Viễn Đông mà mua đất cất nhà khiến ngoại ô không còn cái không gian tĩnh lặng, cảnh làng quê không yên ắng hiu hiu, màu xanh của ruộng đồng, màu khói lam chiều, mùi khói đốt đồng, con trâu, cái cày cũng dần biến mất… riêng chỉ có hương vị cơm tấm Sài Gòn là còn lưu lại theo thời gian.
Tôi vào đời xuôi ngược bôn ba, khi ở Tân Bình, khi ở Chợ Lớn, lúc ở Bà Chiểu, vì vẫn trong lòng thành phố, nên không nhớ hết những kỷ niệm mình từng gắn bó với Sài Gòn. Tôi qua làm đủ nghề để kiếm sống, thường sống xa gia đình, hoặc có về thì chỉ thỉnh thoảng mỗi tháng một vài giờ về thăm rồi lại “hành quân”. Thời trai trẻ tôi quen với cảnh cơm đường, cháo chợ, vẫn thói quen không từ bỏ được đĩa cơm tấm, có lẽ vì thế mà biết cũng khá nhiều điểm bán cơm tấm bình dân nhưng đậm đà hương vị vô cùng. Cũng lấy làm tự hào lưu vào trang nhật ký của đời mình với những sáng tinh mơ khi mặt trời vừa ló dạng là tôi đã ngồi trước đĩa cơm tấm ở Chợ Lớn, hay những đêm không ngủ rong ruổi ghé quán cơm tấm bên lề đường gần lăng Ông Bà Chiểu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng mà dân ăn đêm gọi nơi này với cái tên hơi liêu trai là “quán cơm ma” mà lại hút luôn cả nhiều người ngoại quốc ghé vào trong làn khói mờ ảo trong sương đêm mà đánh chén một cách say xưa, lúc về Gò Vấp thì tôi không thể nào không ghé vỉa hè đối diện với nhà lồng chợ mà ngồi cùng các chiến hữu thưởng thức đĩa cơm tấm trứ danh. Khoảng mấy năm về sau này, kỷ niệm với món ăn đặc trưng của người miền Tây nói chung hay, là nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn nói riêng được lưu bút cá nhân tôi ghi lại tại phía sau chợ Bình Chánh hướng đi về Cần Giuộc Long An.
Hơn hai năm nay tưởng mình đã đặt chân lên miền đất hứa thì sẽ có cuộc sống an lành thanh thản, ai dè con vi rút cúm Tàu Vũ Hán lại khơi cơn cuồng phong bão táp cho thế giới, con Covid cầm chân tôi đến bây giờ chưa về được nước Việt để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, để rồi trong bối cảnh hỗn loạn lại phát sinh éo le, cay đắng của cuộc đời… tôi tự nghĩ đời quả thật khốn khó, lòng dạ của một vài người khốn nạn đến thế là cùng. May thay có niềm an ủi là tôi được biết thêm vài người bạn đồng hương, tôi vẫn còn được ở bên cạnh vài người bà con thân thuộc, đặc biệt nhất một niềm vui lớn lao nhất là tôi được viết, được sáng tác không bị giới hạn về nội dung.
Vâng, hôm nay tôi viết về một góc nhỏ của nền văn hóa quê hương mình với một niềm vinh dự về món cơm tấm Sài Gòn, rất vui vì món ăn thuần túy này không chỉ hấp dẫn với tộc “con rồng cháu tiên” mà còn lôi cuốn, kích thích cả những người ngoại quốc. Bằng chứng là trên nhật báo CNN vào tháng 3 năm 2012 đã công nhận cơm tấm là món bình dân hấp dẫn cực kỳ, rồi sau đó khoảng gần 5 tháng chính xác vào ngày 1 tháng 8 thì món cơm tấm Sài Gòn chính thức được Tổ Chức Kỷ Lục Châu Á xác nhận kỷ lục về giá trị ẩm thực cùng 9 món ăn thuần Việt khác như Bánh Đa Cua Hải Phòng, Phở Hà Nội…
Hai năm nay xa quê, lấy câu thơ, mượn bài văn mà tôi tự chữa vết thương lòng. Hôm nay cũng thế, mượn vài câu thơ, lấy mấy dòng ca dao dạt dào văn hóa Việt, thắm sắc ngọt ngào hương vị của món cơm tấm mà ru lòng tạm quên sự nhạt nhẽo của thói đời.
1. Mảng vui cơm tấm ổ rơm,
Tuy rằng cũ kỹ mà thơm sạch lòng !
Hơn ai gạo tám lầu hồng,
Đem thân luồn cúi vào vòng lợi danh !
2. Đói no một vợ một chồng,
Một niêu cơm tấm mà thương nhau đời !
3. Mẹ già ăn cơm tấm gạo de,
Đẻ con tóc quắn đi ve cả làng !
4. Anh đồ ơi hỡi anh đồ
Có ăn cơm tấm trộn ngô thì vào
– Cơm tấm còn đãi dưới ao
Ngô thời chưa bẻ anh vào làm chi?
Trần Bách Thắng
Bài viết liên quan
Bánh cuốn Việt Nam xuất sắc lọt top những món hấp dẫn nhất thế giới
Bánh cuốn Việt Nam chính là đại diện tiếp theo làm rạng danh đất nước...
Th2
Mâm Cỗ Tết Truyền Thống Ba Miền Khác Nhau Như Thế Nào?
Không chỉ là những món ngon cho gia đình sum họp mà mâm cỗ Tết...
Th1
Đông Y nhìn nhận rượu bia ra sao?
Đồ uống này có tác động cả lợi lẫn hại lên cơ thể Tôi đã...
Th11
Em là người Việt gốc ruốc
NVN News: Ruốc thì đem làm mắm, chứ sao lại chượp ra nước mắm ruốc...
Th6
Bánh hỏi Bình Định: Gạo cũ thì bánh trắng dai
NVN News: Nếu có dịp tham dự đám cưới Bình Định hoặc “lang thang” thưởng...
Th3
Ốc ruốc, ăn chơi nghiện thiệt
Thường thì tầm cuối tháng Giêng mới đến mùa ốc ruốc. Nhưng năm nay mùa...
Th3